Đà Nẵng họp khẩn 'xin nước' từ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn

13:50:38 22-08-2019

"Nếu việc điều tiết nguồn nước còn lại tại các hồ thủy điện không hợp lý sẽ làm cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng", Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói.

Ngày 21/8, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, triệu tập cuộc họp khẩn để bàn giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Do nước ở hạ lưu bị nhiễm mặn, lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị 2 thủy điện ở Quảng Nam là Đak Mi 4 và A Vương xả nước về để khắc phục tình hình.

Thiếu nước trên diện rộng

Ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết thời gian qua toàn thành phố thiếu nước trên diện rộng. Trong 2 ngày 18 và 19/8, cửa thu nước ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép nên công ty phải đóng van.

Da Nang hop khan 'xin nuoc' tu cac nha may thuy dien o thuong nguon hinh anh 1
Ông Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh:Nguyên Vũ.

Dawaco đã vận hành trạm bơm An Trạch có công suất 210.000 m3/ngày. Tuy nhiên, so với nhu cầu của thành phố, lượng nước còn thiếu hụt khoảng 100.000 m3/ngày đêm.

Trong các ngày 18 và 19/8, toàn thành phố thiếu khoảng 120.000 m3. Bên cạnh việc giảm lưu lượng, toàn bộ mạng lưới cũng bị giảm áp lực nước.

"Về giải pháp, Dawaco đã đặt bồn chứa và sử dụng xe bồn cấp nước bổ sung cho các khu vực dân cư nhưng chỉ là giải pháp tạm thời", ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, nguồn nước hiện còn lại tại các hồ thủy điện trên thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn khó có thể đáp ứng nhu cầu dùng nước của hạ du trong thời gian còn lại của mùa khô năm nay.

"Nếu việc điều tiết nguồn nước còn lại ở các hồ thủy điện không hợp lý sẽ làm cạn kiệt nguồn nước trong hồ, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng", ông Vinh nói.

Vị lãnh đạo này đề nghị thủy điện Đak Mi 4 phải dừng phát điện, đồng thời vận hành xả nước liên tục về hạ du Vu Gia theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng ban hành khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ trên 1.000mg/lít.

Đối với nhà máy thủy điện A Vương, theo đề xuất thì chỉ huy động phát điện với lưu lượng quy định và đảm bảo giá trị mực nước hồ theo quy định.

Đề nghị thủy điện xả nước

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, cho biết lượng nước ở hồ thủy điện tại Quảng Nam là A Vương và Đak Mi 4 lần lượt còn 26 và 20 triệu m3. "Hai thủy điện xả cùng lúc sẽ giảm mặn và giúp Đà Nẵng có nguồn nước sinh hoạt”, ông Hòa nói.

Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Đak Mi, cho biết đơn vị sẵn sàng chia sẻ nguồn nước, đồng thời đề nghị phải có cuộc họp giữa thủy điện Đak Mi 4, A Vương, nhà máy nước Cầu Đỏ để thống nhất phương án điều tiết nước đẩy mặn hạ lưu tốt nhất.

Còn ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, cũng cho biết năng lực nhà máy có thể đáp ứng trong 24 giờ với lưu lượng 70 m3/giây. "Chúng tôi không phản đối nhưng xả nước trong điều kiện như hiện nay thì nên thận trọng", ông Thế nói.

Trong khi đó, ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung, cho biết hiện hồ đã xuống mực nước chết 1,5 m và không còn khả năng điều tiết nên đơn vị đã tạm dừng phát điện để nâng mực nước. Điều đó có nghĩa mực nước trong hồ không đủ để xả xuống vùng hạ du.

Da Nang hop khan 'xin nuoc' tu cac nha may thuy dien o thuong nguon hinh anh 2
Người dân đi lấy nước về sinh hoạt. Ảnh: N.Vũ.

Ông Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Dawaco và 4 hồ thủy điện thống nhất quy trình vận hành trong giai đoạn trước mắt.

"Đề nghị thủy điện Đak Mi 4 xả 25 m3 nước/giây và A Vương xả 70 m3 nước /giây về Đà Nẵng", ông Dũng nói và yêu cầu Dawaco phối hợp với 2 hồ chọn thời điểm thích hợp để lấy nước hiệu quả, đẩy nước nhiễm mặn đúng thời điểm.

Dawaco khai thác tối đa nước từ đập An Trạch, phần còn lại thì lấy nước ở Cầu Đỏ để tính ra lưu lượng nước từ A Vương cần xả về.

Ông Dũng đề nghị Sở Xây dựng căn cứ vào kịch bản đã được phê duyệt về độ mặn của nước để đưa ra phương án thực hiện kịch bản thiếu nước. Bên cạnh đó, Công ty Cấp nước thành phố cũng chuẩn bị phương án dự trữ trong trường hợp xả nước về nhưng không đủ.

Nguồn lấy từ ;news.zing.

Thủy điện A Vương (ở xã Macooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 8/2003, phát điện tổ máy 1 ngày 11/10/2008 và phát điện tổ máy 2 vào ngày 28/12/2008.

Nhà máy có tổng công suất 210 MW gồm 2 tổ máy, điện lượng bình quân hàng năm là 815 triệu KWH. Thuỷ điện A Vương là một trong những dự án thuỷ điện bậc thang trên hệ thống sông Vũ Gia - Thu Bồn. 

Còn dự án thủy điện Đak Mi 4 được xây dựng tại Xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt 208 MW và điện lượng hàng năm khoảng 833 triệu kwh.

Công trình này được khởi công vào tháng 4/2007 và chính thức phát điện, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 16/01/2012.