Đà Nẵng: Vỡ mộng vì ôm đất kiếm lời

19:02:35 10-05-2018

Sau một thời gian dài giá đất nóng “bỏng tay”, thị trường nhà đất Đà Nẵng đang bắt đầu hạ nhiệt.

Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản (BĐS) bắt đầu đóng cửa. Giá đất tại các dự án bắt đầu đứng, thậm chí giảm. Đó là tình hình thị trường BĐS Đà Nẵng khoảng một tuần đổ lại đây.

Đóng cửa, dừng giao dịch

Theo ghi nhận ngày 24-4, tại các dự án trong khu đô thị Golden Hills, Shophouse Lakeside Palace, Kim Long Nam… ở phía Bắc Đà Nẵng, giao dịch đất đai không còn sôi động như trước đây. Không còn thấy tình trạng nhà đầu tư đổ xô tìm mua đất bất chấp giá cả như trước. Các văn phòng môi giới BĐS quanh đó đóng cửa im ỉm.

Lúc mới mở bán, đất tại Golden Hills có giá 3 triệu đồng/m2. Trong cơn sốt đất vừa qua, giá bị đẩy lên tới 9-11 triệu đồng/m2. Tương tự, dự án Lakeside Palace cũng tăng gấp 5-7 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này các giao dịch ở đây đang chững lại. Nhiều nhà đầu tư sốt ruột rao bán bằng giá mua vào nhưng vẫn không có ai hỏi han.

Tương tự, đất nền trong các dự án tại Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), khu vực Tân Trà-Đông Hải, Bá Tùng, khu Phú Mỹ An, làng đại học (quận Ngũ Hành Sơn)… cũng bắt đầu “đứng bánh”. Ông Th. (chủ văn phòng môi giới nhà đất tại Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) thở dài: “Đất đang đứng nhưng nhà đầu tư không chịu giảm giá vì lỡ mua vào cao quá rồi. Do đó khách có nhu cầu thật sự đều lắc đầu ra về. Cả tháng nay tụi tôi không bán được miếng đất nào”.

Các sàn bất động sản Đà Nẵng đóng cửa và giá bắt đầu chững, giảm lại. Ảnh: HOÀI AN

Theo ông Th., trước đây nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đổ xô mua đất Đà Nẵng rất nhiều. Giá đất ven biển có thời điểm tăng 400%-500%, chỉ cần hô là có người mua. Đa phần họ mua xong liền sang tay ngay, kiếm lời cả trăm triệu rồi rút êm. Hậu quả là những người mua sau cùng ôm đất giá cao không bán được. “Tới đây không cầm cự được nữa thì chắc chắn nhiều người sẽ bán tháo để cắt lỗ” - ông Th. nhận định.

 

Một lô đất bán 20-30 lần

Với tình hình ảm đạm hiện nay, nguy cơ thị trường BĐS Đà Nẵng vỡ bong bóng hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân là sau một thời gian dài bị giới cò đất thao túng, giá đất Đà Nẵng đã bị đẩy quá cao so với giá trị thực.

Theo tìm hiểu, rất nhiều lô đất ở ven biển và tại các khu đô thị đều được giao dịch qua tay ít nhất 4-5 lần trong vỏn vẹn vài tháng. Cá biệt có những lô đất ở khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và khu Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) được mua bán sang tay tới 20-30 lần.

Ông NVTh, một nhà đầu tư tới từ Hà Nội, tiết lộ nhóm của ông có bảy người, gom được 25 tỉ đồng (kể cả vay ngân hàng), bỏ việc kéo nhau vào Đà Nẵng thuê một khách sạn nhỏ tại quận Sơn Trà ở dài hạn. Hằng ngày cả nhóm chia nhau ra đi tìm đất. Tìm được lô đất ưng ý, họ lần lượt mua đi bán lại trong nhóm để đẩy giá tăng gấp 2-3 lần. Khi có nhà đầu tư khác nhảy vào mua, nhóm ông Th. bán ngay để chốt lời.

Hầu hết các giao dịch của nhóm ông Th. đều thực hiện qua công chứng dạng hợp đồng ủy quyền, cả người mua và người bán đều trốn thuế. Ông Th. khoe sau Tết nguyên đán tới nay, nhóm của ông kiếm lời mỗi người khoảng 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhóm của ông chỉ là cò con, còn những nhóm khác có nguồn lực lớn hơn chỉ từ trong đến cuối tháng 3 kiếm tới vài chục, thậm chí cả trăm tỉ cũng nhờ mua đi bán lại đất Đà Nẵng.

“Hiện thị trường BĐS Đà Nẵng không còn sinh lợi nhiều nên tụi tôi chuẩn bị đi nơi khác để lướt sóng, tương tự cách làm như ở Đà Nẵng” - ông Th. cho hay.

Trước đây giới đầu tư phía Bắc vào lục tìm mua đất Đà Nẵng. Có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Mua xong họ làm đủ chiêu đẩy giá lên kịch trần rồi sang tay ngay. Giờ nhiều nhà đầu tư ôm đất cuối cùng đang cầm cự chờ qua lễ 30-4, 1-5 để bán nhưng tôi thấy tình hình không khả quan. Vài tháng nữa chắc chắn nhiều khu sẽ vỡ.

 MINH, chủ văn phòng môi giới ở quận Ngũ Hành Sơn 

Nguy cơ vỡ bong bóng cục bộ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho hay thị trường BĐS Đà Nẵng bắt đầu chững lại là phù hợp với quy luật. “Thông thường, thời điểm quý II và đầu quý III thị trường nhà đất thường chững lại. Đây cũng là thời điểm con cái thi cử, đi du lịch hè… nên người ta ít quan tâm hơn tới đất đai. Đây là quy luật chung” - ông Đính nói.

Theo ông Đính, nguồn cung của thị trường Đà Nẵng khá hạn chế. Trong quý I gần như không có dự án mới nào chào hàng. Hầu hết các giao dịch đều là mua đi bán lại. “Việc mua đi bán lại nhiều lần dễ tạo ra giá ảo. Nếu như giá tăng lên theo giá trị đầu tư hạ tầng của Nhà nước hoặc sự phát triển của dịch vụ xung quanh là chuyện bình thường, đúng quy luật. Nhưng ở đây lại xuất hiện kiểu đẩy giá bất thường, do giới đầu cơ thao túng thì rõ ràng không ổn chút nào” - ông Đính phân tích.

Vậy sắp tới thị trường BĐS Đà Nẵng có vỡ bong bóng không? Ông Đính cho hay: “Bong bóng BĐS Đà Nẵng có thể vỡ cục bộ tại một số dự án chứ không phải toàn bộ thị trường. Và người mua cuối cùng sẽ lãnh đủ”.

Các dự án BĐS ở phía Nam Đà Nẵng và khu vực Điện Dương, Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), khu vực Hội An (Quảng Nam) cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Nếu như trước đây khách đến tìm hiểu để đầu tư xếp hàng dài thì nay gần như không có bóng người.

Trong khi đó, đất tại khu vực Điện Bàn (Quảng Nam) đang được thổi giá lên quá cao so với thực tế. Thậm chí ven sông Cổ Cò, giá nhà đầu tư ký gửi bán 1,2-1,5 tỉ đồng/lô 100 m2. Mức giá này cao bằng và hơn cả khu vực Hòa Xuân. Vì giá quá cao nên gần như không có người mua.

Nguồn: http://plo.vn/bat-dong-san/da-nang-vo-mong-vi-om-dat-kiem-loi-767107.html